Rối loạn tâm thần ở người cao tuổi
Người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên theo Luật người cao tuổi được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/11/2009. Ở một số nước phát triển (như Hoa Kỳ) người từ 65 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi.
Trên thế giới, số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2015 đến 2030 số lượng người trên 60 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi từ 12% – 22%. Trong đó, khoảng 15% người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê năm 2010, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số là 9,3%, ước tính năm 2017 sẽ tăng lên 10%. Theo số liệu điều tra năm 2002 tại Việt Nam, tỷ lệ mất trí tuổi già là 0,9% dân số, năm 2012 tăng lên 1,52%.
Ở người cao tuổi, các bệnh lý tâm thần thường gặp là: Sa sút trí tuệ, mê sảng, các rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt và các rối loạn liên quan, rối loạn tâm căn và rối loạn nhân cách, lạm dụng chất và bệnh y sinh.
Sau đây là một số rối loạn tâm thần thường gặp ở người cao tuổi:
1. Sa sút trí tuệ
Sa sút trí tuệ là tình trạng bệnh lý phổ biến với tỷ lệ khoảng 10% ở người trên 65 tuổi và có thể tới 50% ở người trên 85 tuổi. Sa sút trí tuệ do nhiều nguyên nhân khác nhau như: bệnh Alzheimer, các bệnh lý mạch máu (như đột quỵ, xơ vữa mạch não…), bệnh parkinson…
Các dấu hiệu từ sớm của bệnh sa sút trí tuệ có thể rất khó thấy, mơ hồ và có thể không xuất hiện một cách rõ ràng ngay. Một số triệu chứng thông thường có thể bao gồm: Mất trí nhớ thường xuyên và ngày càng tăng, lẫn lộn, thay đổi tính tình, hờ hững và thu mình, mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Giai đoạn nặng, người bệnh có thể kích động, hoang tưởng và bùng nổ cảm xúc, người bệnh mất dần ngôn ngữ (vong ngôn), không tự phục vụ, chăm sóc vệ sinh hàng ngày.
2. Trầm cảm
Triệu chứng trầm cảm gặp ở 15% người cao tuổi. Mất người thân và bệnh lý cơ thể có liên quan chặt chẽ với trầm cảm. Trầm cảm khởi phát muộn có tỷ lệ tái phát rất cao, do đó trầm cảm ở người cao tuổi phải điều trị kéo dài. Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của trầm cảm bao gồm giảm năng lượng và sự tập trung, vấn đề về giấc ngủ (đặc biệt là dậy sớm buổi sáng và thức giấc nhiều lần trong đêm), giảm ngon miệng, sụt cân và các than phiền về cơ thể. So với người trẻ, người cao tuổi trầm cảm thường chú ý đến các than phiền về cơ thể hơn. Họ đặc biệt có những biểu hiện: Sự nghi bệnh, giảm lòng tự tin, cảm giác vô giá trị và khuynh hướng tự buộc tội bản thân kèm theo hoang tưởng và ý tưởng tự sát
3. Rối loạn hoang tưởng
Tuổi khởi phát rối loạn hoang tưởng thường từ 40 – 55 tuổi nhưng có thể khởi phát bất cứ độ tuổi nào ở người cao tuổi. Hoang tưởng có nhiều loại nhưng phổ biến nhất là hoang tưởng bị truy hại (người bệnh tin rằng mình bị theo dõi, đầu độc… bằng một cách nào đó). Người bệnh thường tấn công đối tượng mà người bệnh cho rằng làm hại mình hoặc trốn tránh. Một hoang tưởng khác hay gặp ở người cao tuổi là hoang tưởng nghi bệnh, người bệnh tin là mình mắc mắc bệnh trầm trọng. Rối loạn hoang tưởng thường không liên quan đến mất trí.
4. Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt thường khởi phát ở tuổi trẻ, ở nam giới từ 15 – 25 tuổi (trung bình 20 tuổi), ở nữ giới tuổi khởi từ 25 – 35 tuổi (trung bình 30 tuổi).
Tâm thần phân liệt khởi phát muộn (late-onset schizophrenia) khởi phát sau 45 tuổi và tâm thần phân liệt khởi phát rất muộn (very late-onset schizophrenia) sau 65 tuổi rất hiếm. Nữ giới khởi phát muộn hơn nam giới. Tỷ lệ tâm thần phân liệt thể paranoid ở tâm thần phân liệt khởi phát muộn cao hơn khởi phát sớm.
5. Nghiện chất
Nghiện rượu ở người cao tuổi thường có tiền sử sử dụng rượu quá mức từ thời trẻ. Người cao tuổi nghiện rượu thường có bệnh gan, và thường ly dị, độc thân, không có nhà cửa, phần lớn họ bị mất trí như hội chứng Korsakoff. Ngoài nghiện rượu, người cao tuổi còn nghiện nhiều loại chất khác như thuốc ngủ, thuốc giải lo âu. Nghiện ma túy như thuốc phiện, cần sa, chất dạng amphetamine ở người cao tuổi rất hiếm.
Nhìn chung rối loạn tâm thần ở người cao tuổi đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh và can thiệp kịp thời là cần thiết. Thông thường rất ít người bệnh nhận thức được bệnh, họ thường phủ định không nhận mình có bệnh, mặt khác gia đình người bệnh có thể cũng không biết hoặc muốn che dấu.
Vì sức khỏe của người cao tuổi, hãy đưa người bệnh đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần khám và điều trị. Tùy tình trạng bệnh, bác sỹ sẽ khám, tư vấn và đưa ra phương án điều trị và chăm sóc tốt nhất.
BS. Vũ Ngọc Úy (http://benhvientamthanhanoi.com/roi-loan-tam-than-o-nguoi-cao-tuoi)