Hạt cà ri có lợi cho bệnh nhân tiểu đường
Tiến sĩ – bác sĩ Vũ Quang Huy, Phó bộ môn Xét nghiệm, Trường ĐH Y Dược TP HCM, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm nghiên cứu tác dụng chữa bệnh của hạt Methi xuất phát từ việc có rất nhiều bệnh nhân tiểu đường sử dụng thảo dược này. Tuy nhiên một số người dùng thấy hiệu quả, số khác lại không.
Đề tài nghiên cứu bắt đầu từ tháng 2 và vừa hoàn tất đầu tháng 5 với sự tham gia của 200 bệnh nhân. Một nửa trong số đó là bệnh nhân tiểu đường, số còn lại bị rối loạn mỡ trong máu.
Đo chỉ số đường huyết và lượng mỡ trong máu trước, trong và sau khi cho tất cả bệnh nhân được dùng Methi, kết quả cho thấy, ở nhóm tiểu đường, 30% có chỉ số đường trong máu giảm. 29 người có lượng đường trong máu trở về bình thường hoặc kiểm soát tốt.
Ở nhóm bệnh nhân bị rối loạn lipid máu, kết quả cho thấy 16 người giảm hẳn chỉ số cholesterol so với trước khi nghiên cứu. 31 người có chỉ số mỡ trong máu trở về mức bình thường.
Tuy nhiên theo ông Huy, vẫn có số ít bệnh nhân không giảm bệnh với 6 người tiểu đường và 11 người trong nhóm rối loạn lipid máu. Thậm chí chỉ số đường và mỡ trong máu của họ còn tăng hơn sau khi dùng Methi.
Các nhà khoa học cho rằng, cần phải có những nghiên cứu sâu hơn trước khi đưa ra kết luận chính thức về công dụng điều trị của loại thảo dược này.
Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng, giảng viên trường ĐH Y Dược TP HCM, đại diện hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu cho rằng, dù trước mắt chi phí điều trị bằng Methi thấp hơn tân dược lại chưa thấy biến chứng, song đây chỉ là công trình nghiên cứu bước đầu.
Để tránh tình trạng “chữa trị một thời gian mới phát hiện phương pháp này không an toàn”, theo ông Thắng, các nhà khoa học cần kết hợp với những bệnh viện để nghiên cứu sâu, thời gian kéo dài và trên nhiều bệnh nhân hơn.
Hạt Methi có tên khoa học là Trigonella foenum-graecum hay còn gọi là bột cà ri (tiếng Ấn), hạt Hồ lô ba (từ gốc Trung dược) hay Fenugreek theo tiếng Anh – Pháp. Bệnh nhân pha hạt Methi với nước như pha trà rồi uống.
Tại Việt Nam, trước đề tài của các bác sĩ trường ĐH Y Dược TP HCM, chưa có nghiên cứu chính thức nào về khả năng điều trị bệnh của loại hạt này.