Tác hại của bia, rượu đối với sức khỏe
Từ lâu rượu, bia vốn là thức uống không thể thiếu trong các cuộc họp mặt bạn bè, lễ tết. Tuy nhiên, việc lạm dụng quá nhiều rượu, bia và các thức uống có cồn có thể gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người, sự phát triển của xã hội.
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia ở Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế tổ chức vào tháng 10/2017 tại tỉnh Cà Mau đã đưa ra những con số đáng báo động về thực trạng sử dụng rượu bia. Theo kết quả từ những nghiên cứu mới nhất, Việt Nam hiện là nước sử dụng rượu, bia cao và có chiều hướng gia tăng nhanh, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 29 trên toàn thế giới. Đáng chú ý là có đến 77% nam giới hiện uống bia rượu và 44% uống ở mức nguy hại.
Rượu, bia là loại đồ uống đã và đang gây tổn hại lớn cho bản thân người sử dụng. Việc lạm dụng rượu, bia quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể vì ảnh hưởng đến thể lực, tư duy, trí tuệ, khả năng lao động. Thạc sĩ Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Y tế trường học, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết, theo báo cáo thực trạng rượu bia toàn cầu năm 2004 cho thấy rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh và gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương đối với người sử dụng.
Rượu, bia gây rối loạn ý thức kiểu mê sảng, rối loạn thần kinh, giảm trí nhớ, thiếu máu, ung thư, tim mạch, đái tháo đường, viêm loét dạ dày – tá tràng; tác động tới bào thai làm trẻ sinh ra bị dị dạng, chậm phát triển; gây các bệnh tiêu hóa như tổn thương gan, xơ gan; làm nặng thêm các tổn thương do vi-rút viêm gan C, viêm tụy cấp tính/mãn tính; tổn thương hệ miễn dịch làm suy giảm miễn dịch; ảnh hưởng đến khả năng tình dục và có con.
Uống nhiều rượu, nhất là nghiện rượu, sẽ làm cho các tiểu cầu trong máu có khuynh hướng tạo thành cục máu đông, nguyên nhân dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Rượu cũng có thể gây ra bệnh cơ tim, làm cho cơ tim suy yếu, đồng thời làm loạn nhịp tim.
Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế cảnh báo rượu, bia là chất gây ung thư ở khoang miệng, họng, thực quản, thanh quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ; uống ở mức độ nào cũng có nguy cơ gây ung thư; uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng. Sự phát triển ung thư thường xuất hiện sau khi bắt đầu uống từ 2 năm trở đi, thậm chí ngay cả sau khi đã cai rượu, bia.
Theo số liệu điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm của Cục Y tế dự phòng năm 2015, có tới 77 % nam giới và 11 % nữ giới có uống rượu, bia trong 30 ngày qua. Tuổi càng cao, tần suất uống rượu, bia càng tăng. Đáng lưu ý một nửa nam giới trưởng thành uống rượu, bia ở mức nguy hại. Trong số người có uống rượu bia, 45% đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi uống. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cảnh báo việc lạm dụng đồ uống có cồn quá mức sẽ làm người uống mất khả năng kiểm soát hành vi và gây ra những tai nạn nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản, phá hoại tương lai của chính bản thân và người xung quanh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), không có mức độ uống rượu, bia nào là an toàn; tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ thì người bình thường không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam và 1 đơn vị với nữ, không uống quá 5 ngày trong tuần; không uống khi không biết đó là rượu gì, không uống rượu, bia không có nguồn gốc và không công bố tiêu chuẩn chất lượng; đặc biệt, người uống rượu, bia không nên điều khiển phương tiện giao thông.
Bài, ảnh: Duy Lê. Sưu tầm từ http://soytecantho.vn